Print Sermon

Mục đích của trang mạng nầy là để cung cấp những bài giảng viết miển phí và những bài giảng trên vi-đi-ô đến các mục sư và giáo sĩ trên toàn thế giới, đặc biệt là Thế Giới Thứ Ba, là những nơi có rất ít chủng viện thần học hay trường Kinh Thánh.

Những bài giảng và vi-đi-ô này được truyền đến khoảng 1,500,000 máy vi tính trên 221 quốc gia mỗi tháng tại www.sermonsfortheworld.com. Hàng trăm người khác xem nó trên YouTube, nhưng họ sớm rời Youtube và đến với trang mạng của chúng ta, bởi vì mỗi bài giảng hướng họ rời khỏi Youtube mà đến trang mạng của chúng ta. Youtube cung cấp người đến với trang mạng của chúng ta. Bài giảng được chuyển dịch qua 46 ngôn ngữ đến với hàng ngàn người mỗi tháng. Những bài giảng không có bản quyền, cho nên những mục sư có thể sử dụng chúng mà không cần có sự cho phép. Xin vui lòng nhấn vào đây để tìm xem bạn có thể trợ giúp chúng tôi hàng tháng hầu cho việc rao truyền Phúc Âm quý báu này được lan rộng đến toàn thế giới, bao gồm cả các quốc gia Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo.

Khi nào bạn viết cho Tiến sĩ Hymers, xin vui lòng cho ông biết bạn đang cư ngụ tại quốc gia nào, bằng không thì ông không thể trả lời cho bạn được. Điện thư (e-mail) của Tiến sĩ Hymers là rlhymersjr@sbcglobal.net.




NGƯỜI CHÚA SỬ DỤNG TRONG CUỘC PHỤC HƯNG

(BÀI GIẢNG SỐ 12 VỀ PHỤC HƯNG)
THE PEOPLE GOD USES IN REVIVAL
(SERMON NUMBER 12 ON REVIVAL)
(Vietnamese)

bởi Tiến sĩ R.L. Hymers, Jr.
by Dr. R. L. Hymers, Jr.

Bài giảng tại Hội Thánh Baptist Tabernacle Los Angeles
Chiều Chúa Nhật, ngày 19 tháng 10 năm 2014
A sermon preached at the Baptist Tabernacle of Los Angeles
Lord’s Day Evening, October 19, 2014

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (I Cô-rinh-tô 1:27).


Một trong những điều nổi bật hơn hết về sự phục hưng đã được ghi lại trong đoạn Kinh Thánh trên. Đức Chúa Trời chọn những người dại dột và mềm yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ, khôn ngoan. Cho những ai đọc Kinh Thánh thì đây là bằng chứng rõ ràng. Khi Chúa Jê-sus chuẩn bị giáng thế, Đức Chúa Trời đã chọn một thiếu nữ sanh ra trong một gia đình nghèo hèn để làm mẹ. Khi Ngài giáng thế, Đức Chúa Trời lại sai một vài kẻ chăn chiên thấp hèn để tiếp đón, ngợi khen Ngài. Đức Chúa Trời không sai phái Vua Herod, hoặc những người trưởng lão lãnh đạo xứ Israel tiếp đón hài nhi Cứu Thế. Thay vào đó, Ngài lại sai ba nhà thông thái từ một xứ ngoại đạo xa xôi. Khi Đức Chúa Jê-sus chuẩn bị bước vào chức vụ, Đức Chúa Trời không sai thầy tế lễ thượng phẩm thông báo. Thay vào đó, Ngài sai một tiên tri nghèo hèn, Giăng Báp-tit. Khi Chúa Jê-sus gọi mười hai Sứ đồ vào chức vụ, Ngài không chọn mười hai người phái Sa-đu-sê, thuộc tòa án tối cao Do Thái. Thay vào đó, Ngài gọi mười hai người ngư phủ vô danh. Rồi khi Chúa Jê-sus chọn người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, Ngài lại chọn một kẻ sát nhân tên Sau-lơ, người vùng Tạt-sơ, tự xưng mình là “đầu” của những tội nhân, là tội nhân tồi tệ nhất! Trong cuộc đời của Chúa Jê-sus, thật rõ ràng:

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (I Cô-rinh-tô 1:27).

Ngay cả trong Cựu Ước, điều này đã được lập đi lập lại nhiều lần. Đức Chúa Trời đã chọn A-bên thay vì Ca-in, mặc dù Ca-in là con trưởng, và vì thế quan trọng nhất. Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp thay vì Ê-sau, mặc dù Ê-sau là con trưởng và là người kế thừa sự nghiệp. Đức Chúa Trời đã chọn Giô-sép thay vì mười một người anh của ông, mặc dù ông là người con út và yếu ớt nhất trong gia đình. Đức Chúa Trời đã chọn Môi-se thay vì vua Pha-ra-ôn. Ngài chọn người chăn chiên thay vì vị vua quyền lực nhất trên đất vào thời bấy giờ. Đức Chúa đã chọn Ghi-đê-ôn để cứu dân tộc Do Thái khỏi dân Ma-đi-an – dù Ghi-đê-ôn than thở “…Họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi.” (Các Quan Xét 6:15). Đức Chúa Trời đã chọn Sa-mu-ên nhỏ nhắn, mồ côi, thay vì hai người con của thầy tế lễ thượng phẩm. Đức Chúa đã chọn Đa-vít, chàng trai chăn chiên thay vì vị vua Sau-lơ quyền lực.

Lập đi, lập lại trong suốt lịch sử Cơ-đốc Giáo, lời này luôn luôn là sự thật,

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (I Cô-rinh-tô 1:27).

Những người Cơ Đốc thuở ban sơ còn rất nghèo và cô độc. Đa số họ là những người nô lệ. Họ bị mười hoàng đế La-Mã hành hạ khốn khổ cho đến chết. Không ai nhớ đến tên những hoàng đế này (có lẽ chỉ Nê-rô thôi), cho dù họ là những người quyền lực nhất trên đất thời bấy giờ. Người ta nhớ đến ngôi mộ ngầm của những người tử vì đạo khi Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ tại đấu trường La-mã ngày Thứ Sáu Thương Khó hàng năm! Những người nô lệ tử vì đạo đã vượt lên trên sức mạnh và quyền lực của La-mã cổ đại!

Hãy suy nghĩ về Martin Luther. Tôi muốn quý vị nghe tiến sĩ Martyn Lloyd-Jones nói về ông:

Có niềm hy vọng gì nơi một người, một tu sĩ vô danh tên Martin Luther? Ông ta là ai mà dám đương đầu với cả Giáo Hội, đi ngược lại với cả mười hai, mười ba thế kỷ của truyền thống? Đối với một người dám đứng dậy và nói, “Chỉ một mình tôi đúng thôi, và tất cả các ông sai hết” thì dường như đó là một sự ngạo mạn tuyệt đối. Ngày hôm nay, đó cũng là điều được nói về ông. Thế nhưng, quý vị thấy không, ông ta là người mà Đức Thánh Linh đã làm việc chung. Dù ông chỉ có một mình, ông đã đứng, đứng một mình, và Đức Thánh Linh đã tôn quý ông. Tin Lành Cải Cách đã đến, đã và đang tiếp diễn, và luôn luôn như vậy, không thay đổi…Điều tôi đang nói ở đây là khi Đức Chúa Trời chuẩn bị bước vào Hội thánh, khi Ngài dọn đường cho phục hưng, đây có lẽ là cách Ngài làm. Ngài đặt để sự trăn trở trên một số người nhất định, đã từng được biệt riêng, và họ đã hẹn gặp nhau trong yên lặng, kín đáo, vì họ biết rõ nỗi trăn trở này (Martyn Lloyd-Jones, M.D., Sự Phục Hưng, Crossway Books, năm 1987, tr. 203, 167).

Quý vị sẽ nhận thấy cách chính xác điều này trong hầu hết lịch sữ các cuộc phục hưng. Người đàn ông James McQuilken bắt đầu nói chuyện với hai người khác, họ đã thấy được toàn cảnh sự việc, và ba người đàn ông này họp với nhau trong một phòng học nhỏ tại một con hẻm. Tôi có vinh hạnh được đến thăm căn phòng này khi tôi đến Bắc Ireland. Ngoài kế hoạch của tôi nhưng tôi thích đến thăm những nơi như vậy… Họ đã cảm nhận được sự kêu gọi cầu nguyện (Lloyd-Jones, như đã trích, tr. 165)

Dĩ nhiên, cuộc phục hưng năm 1859 đã đến trên mảnh đất Bắc Ireland khi ba người đàn ông cầu nguyện xin Chúa tuôn đổ Thánh Linh Ngài xuống. Tiến sĩ Lloyd-Jones sau đó nói, “Hãy tin tôi đi, các bạn, khi cuộc phục hưng tới xảy ra, nó sẽ đến mang sự kinh ngạc đến với mọi người, và đặc biệt cho những người đang cố gắng sắp xếp tạo ra nó. Nó sẽ xảy ra theo cách [khiêm tốn] kín đáo. Đàn ông và đàn bà lặng lẽ lẻn đi để cầu nguyện vì lòng họ đang khắc khoải, vì họ không thể tự cầm giữ mình được, vì họ không thể tiếp tục sống mà không cầu nguyện. Và họ đã gia nhập với những người khác cùng cảm nhận với họ, và kêu xin với Đức Chúa Trời” (Lloyd-Jones, như đã trích, tr. 165-166).

Tiến sĩ Lloyd-Jones tiếp tục nói, “Quý vị chắc có lẽ cũng quen thuộc với câu chuyện của Hội Giám Lý có nhiều chi nhánh. Điều đó xảy ra như thế nào? Nó đã xảy ra theo đúng như cách ở trên, bắt đầu từ hai anh em nhà họ Wesley, họ Whitefield, và những người khác là thuộc viên Giáo Hội Anh Quốc…Lúc đầu không ai biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng họ chỉ gặp gỡ nhau vì họ bị cuốn hút đến cùng một nguyên cớ” (như đã trích, tr. 166)

Chúng ta đều biết George Whitefield, John, và Charles Wesley. Nhưng không có ai biết đến họ khi đó. Họ chỉ là những chàng trai trẻ bình thường, thấy được sự chết mòn của Giáo Hội Anh Quốc, và muốn được nhìn thấy vinh quang Đức Chúa Trời qua kinh nghiệm sống với Đấng Christ.

Có ai đó, tôi nghĩ là Giám mục Ryle, đã nói rằng John Wesley đáng ra phải làm Tổng Giám Mục giáo xứ Cantebury, lãnh đạo Giáo Hội Anh Quốc. Thế nhưng, đương nhiên là ông chưa bao giờ được xem xét vào chức vụ cao như vậy. Thay vào đó, ông lại bị nhạo báng và chế giễu. Ông được báo cho biết là sẽ không bao giờ được giảng dạy lại tại đại học Oxford, nơi ông tốt nghiệp, vì ông bảo sinh viên và đội ngũ giảng viên rằng họ cần phải được tái sanh. Người mẹ ruột của ông, bà Susannah Wesley, khó chịu với ông vì sự “đam mê” giảng đạo của ông như một kẻ cuồng tín – trước khi chính bản thân bà cải đạo. Trong suốt năm mươi ba năm, ông John Wesley giảng đạo ba lần mỗi ngày cho rất đông người tụ tập nghe ông giảng ngoài trời trên các cánh đồng nước Anh. Thế nhưng, chính giáo phái của ông lại tiếp tục chế giễu và khinh bỉ người đàn ông này. Ông chưa bao giờ được tôn quý cho đến khi ông già yếu vào độ tuổi tám mươi. Cùng lúc ấy, trong khoảng thời gian John Wesley vào chức vụ, đã có sáu nhân vật giữ chức vụ Tổng Giám Mục xứ Cantebury. Đây là tên của họ theo thứ tự,

John Potter (1737-1747)
Thomas Herring (1747-1757)
Matthew Hutton (1757-1758)
Thomas Secker (1758-1768)
Frederick Cornwallis (1768-1783)
John Moore (1783-1805).

Tôi không chắc có ai nhưng trong lịch sử Anh Quốc Giáo cũng không vinh danh một ai trong sáu vị “vĩ nhân” đó. Thế nhưng, hầu như mọi Cơ Đốc Nhân đều biết tên của ông John Wesley. Và hầu hết mọi người đều biết tên anh của ông, Charles, người sáng tác các bài thành ca được hát trong hầu hết các giáo phái Cơ Đốc trên đất này. Dù Whitefield and hai anh em nhà Wesley chỉ là những chàng trai tầm thường, vô danh họp nhau lại để cầu nguyện cho sự tuôn đổ Đức Thánh Linh trong ngày Tất Niên năm 1738, trước khi Cuộc Phấn Hưng Tỉnh Thức lần thứ nhất diễn ra trong thế giới người nói tiếng Anh.

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (I Cô-rinh-tô 1:27)

Câu Kinh Thánh này cũng giải thích tại sao thanh niên luôn là những người lãnh đạo trong các cuộc phục hưng. Họ là những người trẻ trong Hội thánh cảm nhận được hành động của Đức Thánh Linh trước hết. Và cũng thường thường, họ là những người khao khát sự công chính, trông chờ sự phấn hưng và hiện hữu của Thiên Chúa.

Cuộc phục hưng đầu tiên tôi chứng kiến tại Hội Thánh Báp-tít người Trung Hoa được bắt đầu từ những thanh niên trong kỳ trại mùa hè trên núi. Khi họ họp nhau lại cầu nguyện buổi sáng tại trại, Đức Thánh Linh đã tuôn đổ lên họ một quyền năng mạnh mẽ đến nỗi cuộc phục hưng tiếp tục vào buổi thờ phượng Chúa tại nhà thờ ngày Chúa Nhật, sau khi đi trại về. Cuộc phục hưng tiếp diễn suốt ngày Chúa Nhật hôm đó và kéo dài đến tối. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác bàng hoàng kinh sợ, nước mắt tuôn đổ của những tấm lòng thống hối, sự xưng tội và cầu nguyện, sự gần gũi của Thiên Chúa trong các buổi nhóm họp đó.

Tại cuộc phục hưng tôi chứng kiến ở Hội Thánh Báp-tít Virginia, có ba cô gái tiến lên hát tam ca. Họ đã tan vỡ tấm lòng trong những giọt nước mắt của lòng tin quyết, và cả hội chúng đã tiếp nhận lấy cảm giác của điều được “thể hiện” trong các cuộc phục hưng – “Đức Chúa Trời ngự xuống trong lòng mỗi chúng ta.”

“Tại thành phố Herrnhut vùng Saxony Đức quốc, cuộc phục hưng đã bùng nổ trong vòng những người trẻ vào ngày 13 tháng Tám.” Đến ngày 29 tháng Tám “từ mười giờ tối đến ngày hôm sau, một cảnh tượng thật đã được chứng kiến, các cô gái thành phố Herrnut dành ba tiếng đồng hồ cầu nguyện, ca hát và vui khóc. Cùng một lúc, các cậu trai cũng đã hẹn nhau sốt sắng cầu nguyện tại một địa điểm khác. Tinh thần cầu nguyện và nài xin tuôn đổ trên các cháu mạnh mẽ và hiệu nghiệm đến nỗi không thể có lời nào thích hợp để mô tả” (John Greenfield, Năng Quyền Từ Trên Cao ‘Power From On High,’ Phong Trào Cầu Nguyện Phục Hưng Thế Giới, năm 1950, tr. 31).

Tháng 10 năm 1973, một cuộc phục hưng đã bùng nổ giữa vòng các học sinh trường Thiếu Niên Bario vùng Borneo. Hai cậu trai bắt đầu cùng nhau cầu nguyện và dần dần cả trường bị cuốn hút vào cho đến khi chính người hiệu trưởng, trước đây đã từng chống đối lại công việc Đức Thánh Linh, ăn năn xưng tội. (Shirley Lees, Say Trước Khi Rạng Đông ‘Drunk Before Dawn,’ Hiệp Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, năm 1979, tr. 185-189).

Brian H. Edwards nói, “Điều trọng yếu tại các cuộc phục hưng là khi các người trẻ chịu nhiều thách thức và đổi thay, trong nhiều trường hợp, lại là những người trông mong kỳ vọng cách thiết tha và cầu nguyện cho sự phục hưng, và trong những số người khởi đầu.. Đây là một phương diện của sự phục hưng, mặc dù đã được báo cáo nhiều, nhưng lại được nhận rất ít sự chú ý của giới phân tích các yếu tố phục hưng”. (Brian H. Edwards, Phục Hưng! Con Người Làm Hòa Với Đức Chúa Trời ‘Revival! A People Saturated With God,’ Nhà Xuất Bản Evangelical, năm 1991, tr. 165).

“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (I Cô-rinh-tô 1:27)

Amy Carmichael mô tả sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh tại Ấn Độ như vầy,

Khi buổi thờ phượng sáng sắp kết thúc thì biến động xảy đến. Người đang nói thì bị buộc phải ngưng, bị choáng ngợp trước một sự nhận thức đột ngột về một nội lực của sự vật. Không thể nào tiếp tục cầu nguyện được nữa. Một trong những cậu trai lớn tuổi hơn trong đám nam sinh bắt đầu cố gắng cầu nguyện nhưng cậu ta tan vỡ [trong nước mắt], rồi đến người khác, rồi hết thảy mọi người, chủ yếu là nam sinh trai lớn tuổi trước hết. Không bao lâu sau thì nam sinh nhỏ tuổi bắt đầu khóc cách cay đắng và cầu nguyện nài xin sự tha thứ. Điều này lan truyền đến các nữ sinh. Thật kinh ngạc và dễ sợ – Tôi không thể dùng từ ngữ nào khác – mọi tình tiết đã trốn thoát tôi. Rồi nhiều người nằm xuống sàn nhà, khóc than với Chúa, mọi nam sinh, nữ sinh, đàn ông, đàn bà, [không rõ] hết là ai nữa. Âm thanh như sóng vỗ và như gió thổi ào ạt trên các ngọn cây…Sự chấn động dường như chủ yếu diễn ra trước hết nơi các nam sinh, học sinh, con cái chúng tôi.. và một số người trẻ trong hội thánh. Bảy tháng sau, cô báo cáo tiếp, “Gần hết các [người trẻ] đã được chuyển hóa” (J. Edwin Orr, Ph.D., Lưỡi Lửa ‘The Flaming Tongue,’ Nhà Xuất Bản Moody, năm1973, tr. 18, 19).

Xin chú ý đến những chữ, “Sự chấn động dường như chủ yếu diễn ra trước hết nơi các nam sinh, học sinh, con cái chúng tôi.. và một số người trẻ trong hội thánh.” Đó là cách thông thường sự phục hưng đến với hội thánh – khi người trẻ khao khát sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh trong sự phục hưng. Tôi đã từng chứng kiến tận mắt điều này trong ba cuộc phục hưng, khi Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh Ngài trong quyền năng tối thượng lên người trẻ tại Los Angeles, tại San Francisco và tại vùng Biển Virginia, Virginia.

Bây giờ, trong đêm nay tôi nói với các bạn trẻ như vầy. Chúng tôi sẽ cho các bạn một bản sao của bài giảng để mang về nhà. Tôi mong rằng các bạn sẽ đọc đi đọc lại nó mỗi ngày trong tuần tới. Và tôi cũng hy vọng các bạn sẽ cầu nguyện cho những điều nhắc đến trong bài giảng này sẽ động đến cuộc đời bạn, sẽ động đến hội thánh chúng ta.

Quý vị chắc có lẽ nghĩ rằng, “Tiến sĩ Hymers sẽ không bao giờ cho phép chuyện như vậy xảy ra trong hội thánh”. Nhưng quý vị sẽ lầm to. Tôi tin rằng tôi biết nhiều đủ về sự phục hưng để có thể dám làm tắt lửa Thánh Linh, hoặc chặn đứng bằng cớ Ngài, nếu Đức Chúa Trời thương xót và ngự xuống mỗi chúng ta trong quyền năng phục hưng tối thượng! Quý vị có thể dùng toàn bộ lời tiên tri Ê-sai trong lời cầu nguyện của mình,

“Ôi ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng động các núi trước mặt Ngài” (Ê-sai 64:1).

Bác sĩ Chan, xin vui lòng hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện.

(KẾT THÚC BÀI GIẢNG)
Bạn có thể đọc những bài giảng của Tiến Sĩ Hymers bằng tiếng Việt hằng tuần trên
trang mạng tại www.realconversion.com. Bấm vào “Bài giảng bằng tiếng Việt.”

Bạn có thể gởi điện thư bằng tiếng Anh cho Tiến Sĩ Hymers tại rlhymersjr@sbcglobal.net
hoặc bạn có thể gởi thư về địa chỉ P.O. Box 15308, Los Angeles, CA 90015. Hoặc gọi điện
thoại cho ông tại số (818) 352-0452.

Những bài giảng viết tay nầy không có bản quyền. Bạn có thể dùng họ mà không cần có sự
cho phép của Tiến sĩ Hymers. Nhưng mà tất cả thông điệp qua video đã có bản quyền, và
chỉ được sử dụng khi nào có xin phép.

Đọc Kinh Thánh Trước Bài Giảng bỡi Ông Abel Prudhomme: I Cô-rinh-tô 1:26-31.
Đơn Ca Trước Bài Giảng bỡi Ông Benjamin Kincaid Griffith:
“Xin Dạy Con Cầu Nguyện ‘Teach Me to Pray’” (bỡi Albert S. Reitz, 1879-1966)